Ngành Cơ khí nói chung và ngành Công nghệ chế tạo máy (công nghệ kỹ thuật cơ khí) nói riêng của nước ta đã có lịch sử và thành tựu to lớn từ những năm 1960 của thế kỷ trước. Chúng ta đã chế tạo được nhiều thiết bị, máy móc phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thậm chí có những thời điểm ngành Cơ khí chế tạo máy trở thành đầu tàu, mũi nhọn quan trọng bậc nhất của nền công nghiệp nước nhà.
Trải qua một số năm khủng hoảng, do hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu tan rã, nền tảng ngành Cơ khí chế tạo máy của chúng ta bị ảnh hưởng không nhỏ. Tuy nhiên từ năm 2000 trở lại đây, khi chúng ta ra nhập WTO, hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, ngành Cơ khí chế tạo máy của Việt Nam đã có những bước chuyển mình thần kỳ. Đặc biệt khi các tập đoàn công nghiệp lớn trên thế giới như Samsung, Canon, Foxcon, LG, Honda, Toyota, huyndai… đầu tư mạnh mẽ vào nước ta, từ đó kéo theo hàng trăm doanh nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp phụ trợ có liên quan khác.
Trong vài năm trở lại đây, tại các tỉnh phía Bắc như Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hải Phòng… hàng trăm doanh nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp phụ trợ được thành lập. Trong số đó có nhiều doanh nghiệp FDI của Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Pháp, Thái Lan…Các doanh nghiệp này được đầu tư máy móc, trang thiết bị tiên tiến, hiện đại bậc nhất: Máy phay CNC 3÷5 trục, trung tâm gia công phay (Center Mill), máy tiện CNC 2 ÷3 trục, trung tâm gia công tiện (Center Lather), máy gia công tia lửa điện WC, EDM, máy đo 2 chiều, 3 chiều CMM, máy thử kéo nén, uốn, xoắn, đo độ nhám,… để gia công các sản phẩm cơ khí chính xác: trục, bạc, bánh răng, JIG, khuôn mẫu,….
Hình 1. Sinh viên Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ thực hành trên các máy CNC tại trung tâm thực hành
Trong những năm gần đây, nguồn nhân lực ngành Cơ khí ngày càng khan hiếm, đặc biệt là nhân lực được đào tạo chính quy, bài bản. Có nhiều nguyên nhân cho hệ lụy này, trong đó có thể nhận thấy nguyên nhân lớn nhất do suy nghĩ của đa số phụ huynh học sinh với suy nghĩ sai lệch “học ngành liên quan đến cơ khí vất vả, nặng nhọc, độc hại” hay “học cơ khí là làm việc hàn xì, dầu mỡ, nguy hiểm, thu nhập thấp”. Trăn trở và lo lắng đó đúng với giai đoạn trước đây, khi chủ yếu các doanh nghiệp sử dụng máy vạn năng và ngành cơ khí nước ta chưa tiếp cận được với công nghệ tiên tiến. Thế nhưng hiện nay, nói đến ngành công nghệ kỹ thuật cơ khí là phải nhắc đến vẽ, thiết kế, lập trình trên máy tính bằng các phần mềm thịnh hành như CAD/CAM (AutoCAD, NX, MasterCAM, Cimatron, Inventor, Solidworks,…), vận hành gia công trên máy CNC, hệ thống sản xuất linh hoạt và tích hợp (FMS&CIM). Do vậy, điều kiện lao động của nhân sự làm việc trong lĩnh vực cơ khí hoàn toàn sạch sẽ, an toàn, không độc hại. Đặc biệt hơn nữa, nhân sự được đào tạo chính quy, sát với thực tiễn hiện được doanh nghiệp trả lương, thưởng rất cao cùng nhiều chế độ đãi ngộ đặc biệt khác.
Hình 2. Sinh viên Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ vẽ, thiết kế, lập trình trên máy tính
Nhận thức được vấn đề nhức nhối trên của thị trường lao động hiện nay, ngay từ khi thành lập, Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ đã mở ngành đào tạo Công nghệ kỹ thuật cơ khí nhằm đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho hệ thống các doanh nghiệp trong và người nước. Bằng những việc làm cụ thể và mang tính chiến lược như sau:
1. Đầu tư, mua sắm trang thiết bị máy móc hiện đại đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập: Máy phay, Tiện CNC: Hass, Morisaiki, Akira seiki, cùng với đó là các máy vạn năng giúp sinh viên rèn luyện, hình thành kỹ năng, tư duy xây dựng quy trình công nghệ, bên cạnh đó là các thiết bị đo lường: máy đo 2D, dụng cụ đo điện tử,… Đặc biệt các máy này đều tham gia vào quá trình sản xuất đơn hàng, dự án đem lại giá trị lợi nhuận cho giảng viên, sinh viên Nhà trường, đồng thời hỗ trợ sinh viên học tập, thực hành bằng hệ thống bài tập từ cơ bản đến nâng cao, sát với thực tiễn đào tạo tại doanh nghiệp…
2. Mở rộng hợp tác với trên 60 doanh nghiệp cơ khí chế tạo trong và ngoài nước, thiết lập hệ thống doanh nghiệp thân thiết lớn mạnh. Từ đó, sinh viên có thể tham gia chương trình vừa học vừa làm có thu nhập, qua đó từng bước rèn luyện kỹ năng thực hành cũng như hình thành tác phong công nghiệp và văn hoá doanh nghiệp ngay từ học kỳ 3.
3. Chương trình đào tạo bám sát vị trí việc làm của người lao động tại doanh nghiệp, đảm bảo sinh viên sau khi tốt nghiệp, không cần doanh nghiệp đào tạo lại các kỹ năng cơ bản cần thiết. Hơn thế nữa, chương trình học tập, thực tập tại doanh nghiệp được nhà trường đặc biệt quan tâm. Sinh viên được doanh nghiệp tiếp nhận, hỗ trợ đào tạo theo hình thức “Training on job”, được trả lương và tiếp nhận trở thành nhân viên chính thức ngay khi chưa kết thúc chương trình thực tập.
Hình 3. Cựu sinh viên làm việc tại Công ty Smarttech và Công ty An Phú Việt
Theo báo cáo số liệu, khoa cơ khí khóa 01 có 36 sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí. Đến nay 100% sinh viên đang làm đúng chuyên ngành đào tạo với mức thu nhập từ 8÷15 triệu VNĐ/tháng, cùng hứa hẹn phát triển hấp dẫn tại doanh nghiệp đang làm việc. Nhiều sinh viên đảm nhận những vị trí quan trọng tại bộ phận thiết kế, lập trình ở các doanh nghiệp lớn như: Công ty Busan, Smarttech, INNOO6, Seojin, Thành Kỳ, PH tech,… Tâm sự với chúng tôi, cựu sinh viên Nguyễn Đức Khánh, lớp 01CNKTCK, hiện đang là kỹ thuật viên lập trình và vận hành Tiện CNC tại Công ty TNHH Smarttech, Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh nói: “Em rất biết ơn Nhà trường, đã đào tạo và cho em có được việc làm như ngày hôm nay”. Đó không chỉ là thành quả mà còn là nguồn động lực lớn lao để Nhà trường tiếp tục phát huy trong thời gian tới. Với tôn chỉ “Tạo lập hành trang, vững vàng khởi nghiệp”, Chúng tôi vững tin rằng, trong thời gian tới, Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ chắc chắn sẽ là cánh chim tìm ra hướng đào tạo mới lạ, hiệu quả trong hoạt động giáo dục và đào tạo nghề nghiệp của các tỉnh phía Bắc.