Hướng đi mới của Giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư và hội nhập quốc tế là vấn đề trọng tâm được nêu bật trong Hội thảo INNOVATION IN VOCATIONAL EDUCATION – Đổi mới sáng tạo trong Giáo dục nghề nghiệp do Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ là đơn vị chủ trì tổ chức ngày 11/12/2023.
Tham dự Hội thảo sáng 11/12/2023 tại Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ có sự tham gia của Đại diện Sở Lao động thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh, các đại diện và cá nhân đến từ các Trường đại học, cao đẳng và đơn vị Giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh.
Hội thảo lần này được dẫn dắt bởi PGS. TS Nguyễn Tiến Đông – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ cùng với các chuyên gia hàng đầu đến từ Viện nghiên cứu Giáo dục nghề nghiệp Hàn Quốc. Mở đầu chương trình Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Tiến Đông với bài phát biểu dẫn nhập đã nhấn mạnh các từ khóa:
– Inclusive: tính bao trùm, hòa nhập của giáo dục nghề nghiệp
– Gender equality: cân bằng giới của giáo dục nghề nghiệp trong lĩnh vực kỹ thuật, công nghiệp
– Go Green: hướng tới công nghiệp xanh và việc làm
Bài phát biểu dẫn nhập đã mở đầu cho các bài tham luận và các từ khóa dần được làm sáng tỏ cũng như cộng hưởng rất lớn với các nội dung trình bày theo cách tiếp cận của Hàn Quốc. Các bài tham luận cũng trình bày, chia sẻ các chương trình hỗ trợ, đồng hành với giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam.
Phần tiếp theo của Hội thảo là các nội dung chuyên sâu được trình bày bởi ba chuyên gia đến từ Viện nghiên cứu Giáo dục nghề nghiệp Hàn Quốc (KRIVET) gồm: Dr. Oh Ho Young, Dr. Kim Young Saing và Dr. Cho Sung Ik. Về tổ chức KRIVET, đến nay Viện này đã hợp tác với 33 tổ chức Giáo dục nghề nghiệp trên toàn thế giới và trọng tâm tại các nước ASEAN để đổi mới giáo dục nghề nghiệp với phương thức:
– Hợp tác mới để có góc nhìn mới
– Định hướng kinh doanh mới của các tổ chức giáo dục nghề nghiệp
– Thay đổi môi trường mới để tạo ra sự đổi mới
Phần giáo dục hướng nghiệp của Hàn Quốc cũng được giao cho KRIVET nghiên cứu, xây dựng từ concept, khung chương trình, nội dung… để đưa vào giảng dạy và định hướng nghề nghiệp từ cấp 2. Thay vì ở Việt Nam vẫn đang giải quyết bài toán này, và giao trách nhiệm cho giáo viên chủ nhiệm. Nhưng thử hỏi giáo viên chủ nhiệm ngoài nghề hiện tại là dạy học thì mức độ hiểu biết, trải nghiệm với các nghề nghiệp khác như thế nào để có thể tư vấn hướng nghiệp được.
Ba chuyên gia đến từ Viện nghiên cứu giáo dục nghề nghiệp của Hàn Quốc – Korea Reseach Institute for Vocational Education & Training – KRIVET đã trình bày ba bài thuyết trình với độ phủ và bao trùm cũng như chi tiết, đúng trọng tâm vào các vấn đề nhức nhối của giáo dục nghề nghiệp. Và bài tham luận cuối cũng là nghiên cứu về AI – mức độ tác động và ảnh hưởng tới các nghề mới như thế nào. Theo đó dự báo là 50% nghề nghiệp bị ảnh hưởng, nhưng sau khi nghiên cứu bằng các phép kiểm định giả thuyết trên các ngành nghề và tại các khu vực trên thế giới theo phạm vi của dự án, thì chỉ có hơn 9% các nghề nghiệp bị ảnh hưởng bởi AI mà thôi. Và tỷ lệ các nghề mới được sinh ra do AI, công nghiệp 4.0 cũng xấp xỉ số lượng nghề bị mất đi do các yếu tố này.
Vì vậy, yêu cầu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải có tầm nhìn về giáo dục nghề nghiệp từ 7-10 năm để có được sự chuẩn bị tốt nhất cho mình, chính là các lời khuyên của các chuyên gia đến từ Hàn Quốc.