Tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam hiện ở mức 2,2 %, thuộc nhóm 10 nước thấp nhất thế giới. Đặc biệt trong quý 3/2019, tỷ lệ thất nghiệp chỉ có 1,98 %.
Đây là thông tin được Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung nêu ra tại buổi làm việc với Uỷ ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam vào chiều ngày 17/12 tại Hà Nội.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, mặc dù còn một số hạn chế cần khắc phục nhưng trong những năm qua, công tác quản lý của Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội có liên quan tới thanh niên cũng đã đạt được một số kết quả khả quan.
Cụ thể, trong xây dựng thể chế, Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng nhiều chính sách cho thanh niên được cụ thể hoá tại Bộ Luật Lao động 2019.
Trước đó, Luật Giáo dục nghề nghiệp cũng đã “cởi trói” nhiều cơ chế trong tuyển sinh đa dạng, phân luồng, mô hình đào tạo 9 + cho thanh thiếu niên. Đồng thời, Luật Việc làm cũng đã tạo “sân chơi” cho lao động trẻ tham gia thị trường lao động. Đặc biệt, chính sách bảo hiểm thất nghiệp được triển khai nhằm sớm đưa thanh niên mất việc làm sớm quay trở lại thị trường.
“Ở đầu nhiệm kỳ làm bộ trưởng, tôi còn nhớ con số cử nhân, kỹ sư thất nghiệp là 242.000 người, tỷ lệ lao động nông nghiệp là 42 % lao động nông nghiệp. Tới nay, với những chuyển biến tổng thể, con số thất nghiệp như trên chỉ còn hơn 90.000 người và tỷ lệ lao động nông nghiệp chỉ còn 35,2%”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Bên cạnh đó, nhiều chương trình xuất khẩu lao động hướng tới thanh niên đặc thù như Chương trình Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020, Chương trình đào tạo điều dưỡng viên của CHLB Đức, Chương trình IM Japan miễn phí dành riêng cho người lao động,…
Những nỗ lực xây dựng thể chế, điều chỉnh chính sách thị trường lao động sau nhiều năm đã có những kết quả tích cực.
Tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam hiện ở mức 2,2 %, thuộc nhóm 10 nước thấp nhất thế giới. Đặc biệt trong quý 3/2019, tỷ lệ thất nghiệp chỉ có 1,98 %.
Công tác giáo dục nghề nghiệp đã có nhiều biến chuyển, thay đổi tới nhận thức của người học về nghề nghiệp và việc làm.
“Ví dụ như trước tác động của công nghệ 4.0, mặt trái của mạng xã hội mà thanh niên phải tiếp cận hàng ngày, chúng ta cần nghiên cứu khả năng giúp thanh niên tiếp thu điểm tốt và “đề kháng” với những tiêu cực”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Gợi ý về giải pháp trong quản lý nhà nước về thanh niên, Bộ trưởng cho rằng các cơ quan nhà nước cần tạo môi trường cho thanh niên phát triển trong quá trình học tập, vui chơi lành mạnh và tiếp cận các vấn đề mới.
Bên cạnh đó, công tác xây dựng và phát triển thị trường lao động đồng bộ và lành mạnh cần triển khai hiệu quả hơn với thanh niên. Bộ trưởng cho biết, tới đây, Bộ sẽ nghiên cứu thêm nhiều giải pháp về gắn kết, tạo “sân chơi” lành mạnh về lĩnh vực việc làm, giáo dục nghề nghiệp cho người lao động, trong đó có lao động trẻ.
Theo Trường Giang/Vietnamnet.vn