1.Mục tiêu đào tạo
Đào tạo Kỹ sư thực hành ngành chế tạo khuôn mẫu trình độ cao đẳng, có kiến thức khoa học cơ bản, kiến thức chuyên ngành, thực hiện những công việc khác nhau trong lĩnh vực chế tạo khuôn mẫu.
Nhiệm vụ chủ yếu của ngành là vận dụng kiến thức và kỹ năng vào giải quyết các vấn cơ bản trong lĩnh vực chế tạo khuôn mẫu và công nghệ sản xuất như: thiết kế sản phẩm khuôn mẫu, gia công khuôn mẫu trên máy công cụ vạn năng, máy công cụ điều khiển số; lắp ráp, sửa chữa bảo dưỡng khuôn mẫu; đo lường, kiểm soát chất lượng sản phẩm khuôn mẫu; thực hiện các công việc dịch vụ kỹ thuật công nghiệp, đáp ứng yêu cầu bậc 5 trong khung trình độ quốc gia Việt Nam.
1.1. Mục tiêu cụ thể
– Hiểu biết cơ bản về chính trị, văn hóa, xã hội, pháp luật, quốc phòng an ninh, giáo dục thể chất;
– Nắm được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của
Nhà nước;
– Có kiến thức cơ bản về tin học văn phòng;
– Hiểu được các kỹ năng nghe, nói, đọc viết ngôn ngữ tiếng Anh;
– Nắm được những nội dung chủ yếu của một số kỹ năng mềm: kỹ năng thuyết trình, kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, tư duy phản biện,… và văn hóa doanh nghiệp;
– Nhớ được các tiêu chuẩn của bản vẽ cơ khí; khái niệm, ký hiệu, quy ước của các hình biểu diễn; nội dung, trình tự đọc, vẽ bản vẽ chi tiết, bản vẽ lắp;
– Hiểu rõ cấu trúc lệnh, các bước sử dụng lệnh vẽ, thiết kế trên phần mềm AutoCAD;
– Trình bày được khái niệm về an toàn lao động, vệ sinh lao động, đặc điểm, biện pháp phòng tránh các yếu tố nguy hiểm, có hại trong lĩnh vực chế tạo khuôn mẫu;
– Phân tích được đặc điểm, ý nghĩa, vai trò của 5S, các bước áp dụng 5S trong sản xuất cơ khí;
– Trình bày được tính chất cơ lý, phạm vi ứng dụng của các loại vật liệu thông dụng dùng trong chế tạo khuôn và các phương pháp xử lý cơ – nhiệt để làm tăng độ bền, cải thiện cơ tính của khuôn mẫu;
– Hiểu và giải thích được các ký hiệu về dung sai trên bản vẽ theo các tiêu chuẩn ISO, TCVN;
– Hiểu được đặc điểm, phạm vi, phương pháp sử dụng, bảo quản các loại dụng cụ, thiết bị đo kiểm thông dụng của ngành;
– Trình bày được đặc điểm, phạm vi sử dụng, phương pháp sử dụng, bảo quản, cách mài sửa các loại dụng cụ cắt;
– Hiểu được quy trình công nghệ chế tạo, kiểm tra, kiểm soát chất lượng trong quá trình sản xuất khuôn mẫu;
– Nắm được đặc điểm, ứng dụng của các loại đồ gá, cách sử dụng, bảo dưỡng, chế tạo đồ gá;
– Trình bày được ưu nhược điểm của một số phần mềm CAD/CAM (Inventor, Unigraphics NX, PTC CREO, MasterCAM, Cimatron,…), trình tự các bước vẽ, thiết kế, lập trình gia công khuôn mẫu;
– Mô tả được cấu tạo, nguyên lý làm việc, thông số kỹ thuật, khả năng công nghệ, cách sử dụng vận hành các máy CNC: tiện, phay, EDM, WC,…
– Nhận biết được cấu tạo, nguyên lý làm việc, thông số kỹ thuật, khả năng công nghệ của các các máy công cụ vạn năng: tiện, phay, mài,…;
– Giải thích được các hiện tượng cơ lý phát sinh trong quá trình gia công cơ khí, gia công tia lửa điện;
– Nắm được công dụng, cấu tạo, nguyên lý, điều kiện làm việc, yêu cầu kỹ thuật của một số loại khuôn mẫu;
– Trình bày được đặc điểm, biện pháp công nghệ của các phương pháp xử lý bề mặt và sửa chữa khuôn;
– Xác định được tình trạng làm việc của khuôn, hiện tượng sai hỏng, nguyên nhân và giải pháp khắc phục;
– Trình bày được đặc điểm, ứng dụng của công nghệ Hàn và xử lý bề mặt trong chế tạo khuôn mẫu;
– Hiểu được phương pháp thiết kế ngược và ứng dụng của công nghệ in 3D trong chế tạo khuôn mẫu.
1.2. Kỹ năng
– Vận dụng kiến thức về chính trị, pháp luật, an ninh quốc phòng trong quá trình học tập và rèn luyện để trở thành công dân tốt, sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật;
– Sử dụng được tiếng Anh trong giao tiếp cơ bản, đạt bậc 2/6 trong khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam (tương đương Toeic 350); ứng dụng được trong công việc chuyên môn của ngành;
– Sử dụng thành thạo các ứng dụng tin học văn phòng trong công việc chuyên môn của ngành, đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản;
– Vận dụng được những kỹ năng mềm để hòa nhập, thích nghi với văn hóa doanh nghiệp;
– Đọc, hiểu, phân tích, vẽ được các bản vẽ kỹ thuật cơ khí theo tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn ISO;
– Đánh giá, lựa chọn, đề xuất được các biện pháp nhằm cải thiện, nâng cao hiệu quả công tác an toàn lao động, 5S trong sản xuất;
– Quy định, ghi được các ký hiệu dung sai trên bản vẽ cơ khí;
– Phân tích, lựa chọn các vật liệu phù hợp với từng loại khuôn mẫu;
– Đề xuất biện pháp công nghệ để cải thiện cơ tính, nâng cao độ bền, tuổi thọ của khuôn mẫu;
– Sử dụng thành thạo các dụng cụ, thiết bị đo lường trong kiểm tra chất lượng sản phẩm khuôn mẫu: máy đo 2D, CMM, máy đo độ nhám, máy đo độ cứng,…;
– Lựa chọn đúng các loại dụng cụ cắt phù hợp với quy trình công nghệ, mài sửa, chế tạo được một số dụng cụ cắt điển hình;
– Lựa chọn, gá đặt đúng các loại đồ định vị, đồ gá phù hợp với quy trình công nghệ gia công khuôn mẫu;
– Thiết kế được quy trình công nghệ gia công khuôn mẫu đảm bảo các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật;
– Sử dụng thành thạo một trong số các phần mềm CAD/CAM (Inventor, Unigraphics NX, PTC CREO, MasterCAM, Cimatron,…) để vẽ, thiết kế khuôn, lập trình gia công khuôn mẫu;
– Khai thác, vận hành, điều khiển thành thạo được các máy công cụ vạn năng (tiện, phay, mài,…), máy CNC (tiện, phay, EDM, WC,…) gia công các khuôn mẫu đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, chất lượng, an toàn, hiệu quả kinh tế;
– Vận hành được một số máy, thiết bị Hàn (Hồ quang tay, MIG, MAG,…) để hàn đắp khuôn mẫu;
– Sử dụng thành thạo một số thiết bị, dụng cụ cầm tay để gia công, sửa nguội, lắp ráp khuôn mẫu;
– Lắp ráp và sửa chữa được các loại khuôn mẫu đúng yêu cầu kỹ thuật;
– Vận hành và thử được các loại khuôn trên thiết bị dập, đúc, ép;
– Đánh giá được tình trạng kỹ thuật và phát hiện kịp thời các biểu hiện bất thường của khuôn mẫu;
1.3. Vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp
Sau khi tốt nghiệp người học có năng lực đáp ứng các yêu cầu tại các vị trí việc làm của ngành bao gồm:
– Kỹ thuật viên vận hành: trực tiếp vận hành điều khiển các máy công cụ vạn năng, máy CNC;
– Nhân viên phòng thiết kế và cải tiến sản phẩm: vẽ, thiết kế khuôn mẫu;
– Nhân viên lập trình: lập trình, xuất chương trình gia công cho các máy CNC: tiện, phay, EDM, WC, Laser, Plasma, đột dập, chấn gấp,..;
– Kỹ thuật viên phòng quản lý chất lượng: kiểm tra chất lượng sản phẩm đầu vào, đầu ra, kiểm tra quá trình sản xuất các loại khuôn mẫu;
– Quản lý sản xuất: theo dõi, giám sát tình trạng hoạt động của các máy, thiết bị dây chuyền; xử lý sự cố, điều chỉnh máy móc dây chuyền;
– Nhân viên quản lý an toàn lao động, 5S;
– Kỹ thuật viên phòng khuôn mẫu: thiết kế khuôn, JIG, sửa chữa, bảo dưỡng đánh bóng, lắp ráp, kiểm tra khuôn mẫu;
– Nhân viên vận hành máy ép nhựa, máy đột dập CNC;
– Tự tạo việc làm cho bản thân, sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực khuôn mẫu.