Ngày 25/10/2024, Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ và Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Từ Sơn đã phối hợp cùng chủ trì tổ chức Hội thảo “Hướng nghiệp trong Kỷ nguyên Công nghệ: Nữ sinh và các ngành STEM”. Hội thảo đã chia sẻ, làm rõ các vướng mắc, khó khăn trong quá trình phát triển sự nghiệp của phụ nữ trong các ngành STEM và đồng thời đề xuất các giải pháp để thu hẹp khoảng cách về giới đang cản trở sự tham gia của phụ nữ, trẻ em gái trong giáo dục, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tham dự hội thảo có sự tham gia của đại diện Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương; lãnh đạo Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ Lao động-Thương Binh và Xã hội; đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh; các chuyên gia về giới của UN Women; Ban Giám hiệu Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ, Bắc Ninh; Đại diện Công ty TNHH Hitachi Energy Việt Nam; các thầy cô đại diện các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh cùng doanh nghiệp sử dụng lao động.
Tại hội nghị, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ, PGS.TS Nguyễn Tiến Đông đã cung cấp góc nhìn toàn diện về thực trạng nữ giới chiếm tỷ lệ thấp trong các ngành kỹ thuật – công nghệ, vốn được xem là nhóm ngành trụ cột của sự phát triển kinh tế và công nghiệp hiện đại.
Trong tham luận, PGS. TS. Đông đã trình bày số liệu cụ thể minh chứng cho sự chênh lệch đáng kể về tỷ lệ giới trong tuyển sinh các ngành kỹ thuật – công nghệ. Dữ liệu này cho thấy, tỷ lệ nữ sinh theo học các ngành này vẫn ở mức thấp so với nam giới, bất chấp những nỗ lực gia tăng cơ hội tiếp cận trong thời gian qua. Tham luận nêu rõ rằng sự mất cân bằng giới trong các ngành này không chỉ ảnh hưởng đến tính đa dạng và sáng tạo trong nghiên cứu và phát triển công nghệ mà còn làm suy giảm chất lượng nguồn nhân lực kỹ thuật cao, từ đó giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, sự chênh lệch này còn gây ra lãng phí cơ hội phát triển cho cả nền kinh tế, bởi những đóng góp tiềm năng từ lực lượng lao động nữ không được khai thác đầy đủ.
Chuyên gia về giới của UN Women Đặng Thanh Mai cho biết, xã hội ngày nay vẫn tồn tại định kiến giới. Trong khi nam giới được cho là mạnh mẽ, quyết đoán, có khả năng lãnh đạo, thì nữ giới bị coi là yếu đuối, không phù hợp với công việc đòi hỏi tính cạnh tranh cao. Nhiều người cho rằng phụ nữ không có khả năng vượt trội trong các lĩnh vực khoa học và kỹ thuật, dẫn đến việc hạn chế cơ hội học tập và việc làm cho phụ nữ trong những ngành này.
Theo Th.S Thanh Mai, cần thực hiện giáo dục về bình đẳng giới từ giai đoạn học đường; Có chính sách hỗ trợ phụ nữ thăng tiến; Xóa bỏ hoàn toàn sự phân biệt đối xử với trẻ em gái trong môi trường giáo dục; Truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến về lựa chọn ngành học và định hướng của trẻ em gái và nữ thanh niên; Nâng cao hiểu biết của gia đình và nhà trường về các nghề cần thiết trong tương lai và tiếp tục xây dựng chính sách cùng các chương trình hỗ trợ bình đẳng giới và đào tạo chuyên môn cho lao động nữ, lãnh đạo nữ để đảm bảo họ được tham gia và hưởng lợi.
PGS.TS Lê Huy Hoàng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Ban Tuyên giáo Trung ương trong phần chia sẻ tham luận về giáo dục STEM 2018 và các yếu tố triển khai nhằm thúc đẩy và hướng nghiệp, đặc biệt nữ sinh tham gia giáo dục và việc làm các ngành STEM. Cùng với đó, TS Nguyễn Ngọc Linh, Chuyên viên chính, Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương cũng giới thiệu một mô hình giáo dục STEM Farm rất phù hợp để chuyển giao cho các nhà trường tổ chức để học sinh gồm cả nam và nữ có thể cùng tham gia tại các cấp học khác nhau.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Giáo dục thành phố Từ Sơn chia sẻ những nỗ lực đồng thời chỉ ra những khó khăn trong việc phát triển các hoạt động STEM trong các nhà trường trên địa bàn thành phố. Nguyên nhân tập trung vào việc học sinh, gia đình và nhiều khi chính các giáo viên vẫn chỉ coi trọng và tập trung vào 3 môn Toán, Văn, Anh mà chưa thực sự nhận thức hết vai trò của STEM với quá trình dạy và học cũng như hướng nghiệp.
“Thời gian tới chúng tôi sẽ thực hiện chỉ đạo tới tất cả các đơn vị trường học quan tâm đẩy mạnh lồng ghép dạy học STEM vào các môn học. Đồng thời sẽ tổ chức các chuyên đề với mục tiêu khơi gợi đam mê, sự sáng tạo và đặc biệt phù hợp với các em học sinh nữ trong lựa chọn hướng đi tương lai chọn nghề hướng nghiệp”, ông Dũng chia sẻ.
Đại diện cho khối doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, bà Nguyễn Thị Lan Anh, Giám đốc nhân sự công ty TNHH Hitachi Energy Việt Nam đã đem tới hội thảo một bản trình bày về những nỗ lực nhằm tạo cơ hội bình đẳng cho phụ nữ tại doanh nghiệp bằng chương trình đào tạo cho nữ thông qua hỗ trợ bằng học bổng, hỗ trợ truyền thông. Cùng với đó còn có chương trình Tăng tốc cho phụ nữ bằng những hành động cụ thể như trả lương công bằng, chính sách việc làm linh hoạt cho nữ giới, tổ chức các chương trình đào tạo và phát triển cho lao động nữ…
Kết thúc chương trình Hội thảo, Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ đã thực hiện hoạt động công bố về Qũy học bổng mang tên “LIC – WOMEN IN STEM” dành cho các nữ sinh viên của Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ có kết quả học tập và rèn luyện cao và đặc biệt là dành cho cả các nữ sinh khối THPT trên địa bàn Thành phố Từ Sơn đạt giải trong các cuộc thi Khoa học kỹ thuật – STEM từ cấp thành phố trở lên. Quỹ học bổng “LIC – Women in STEM” được triển khai nhằm góp phần giải quyết sự chênh lệch về giới tính trong mảng việc làm và kỹ năng kỹ thuật số tại khu vực Thành phố Từ Sơn nói riêng và toàn tỉnh Bắc Ninh nói chung.