Để chống lại sự thiếu hụt, các công ty trên khắp thế giới đang chuyển dây chuyền của mình sang sản xuất máy thở. Thời điểm này khiến chúng ta nhận ra khi sự sáng tạo lấy lòng trắc ẩn làm động lực sẽ trở thành sức mạnh to lớn đến nhường nào. “Cuộc khủng hoảng thúc đẩy sự sáng tạo và hợp tác đáng kinh ngạc”, TS Greg Martin, Chủ tịch Hiệp hội Phê bình chăm sóc y học Mỹ, nhận định với tờ New York Times ngày 17/04.
Đối với bệnh nhân nhiễm COVID-19, máy thở có thể là một thiết bị cứu sinh. Nhưng thế giới đang phải đối mặt với một làn sóng bệnh nhân nhập viện quá lớn, dẫn đến tình trạng không thể có đủ máy thở cho tất cả mọi người. Theo một cuộc điều tra gần đây, Đại học Imperial College London (Anh) thống kê được có khoảng hơn 30% số bệnh nhân Covid-19 sẽ cần máy thở để điều trị.
Để chống lại sự thiếu hụt, các công ty trên khắp thế giới đang chuyển dây chuyền của mình sang sản xuất máy thở cũng như các thiết bị y tế khác. Sự sáng tạo vượt trên sức tưởng tượng của con người giờ có mặt ở khắp mọi nơi.
Tại Mỹ, các hãng xe như Ford và Tesla nghĩ rằng máy thở có thể được sản xuất tương tự ô tô. Một công ty Nhật Bản đang cố gắng thiết kế lại máy thở thú y để dùng được trên người. Một hãng sản xuất mặt nạ lặn biển của Pháp nghĩ rằng sản phẩm của mình có thể hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhân mà không cần đặt nội khí quản. Một công ty sản xuất vũ khí của Israel bây giờ cũng chuyển sang sản xuất máy thở để cứu người. Ngoài ra, hàng loạt thiết bị y tế sáng tạo đến từ nhiều tổ chức khác nhau trên phạm vi toàn cầu liên tục được công bố trong thời gian qua. Hãy cũng xem khắp nơi trên thế giới, Covid-19 trở thành một chủ đề thu hút sự sáng tạo đến nhường nào nhé:
Các kỹ sư tại Tesla đã tạo ra một nguyên mẫu máy thở sử dụng linh kiện xe điện Model 3.
Vào cuối tháng 3, Elon Musk – CEO của Tesla tuyên bố ông sẵn sàng tặng hàng ngàn máy thở miễn phí cho các bệnh viện tại Mỹ nếu họ bị thiếu hụt. Nhưng sau đó, Musk đã phải đối mặt với một loạt chỉ trích khi hóa ra, những cỗ máy thở mà ông quyên góp cho bệnh viện chỉ là máy trợ thở và không cứu sống được những bệnh nhân COVID-19 nặng.
Các cỗ máy trợ thở này nguyên được dùng cho các bệnh nhân mắc chứng ngưng thở khi ngủ. Một số bác sĩ đã phải tìm cách chế lại cỗ máy, bao gồm lắp thêm một ống thở, bộ phận điều khiển không khí và bộ phận lọc virus để có thể sử dụng trên bệnh nhân COVID-19.
Kể từ đó, Tesla đã phải sửa chữa lỗi sai của mình. Họ tập hợp một đội ngũ kỹ sư để chế tạo ra chiếc máy thở thực sự có thể giúp đỡ bệnh nhân nhiễm virus corona mới, tận dụng chính các bộ phận và linh kiện của chiếc xe điện Model 3.
“Chúng tôi đang nghiên cứu phát triển thiết kế máy thở của riêng mình, cụ thể là một thiết bị chủ yếu dựa trên các bộ phận xe hơi của Tesla“, Joseph Mardall, giám đốc kỹ thuật tại Tesla, nói với Reuters.
Tại Michigan, Ford và GE có kế hoạch sử dụng một nhà máy ô tô cũ để chế tạo máy thở chạy không cần điện.
Ford đã tuyên bố vào cuối tháng 3 rằng họ đang thực hiện kế hoạch với GE Health, sử dụng một nhà máy ô tô cũ để chế tạo máy thở chạy bằng áp suất không khí thay vì điện. Một chiếc máy thở như vậy có thể được triển khai trong các bệnh viện dã chiến.
Hai công ty dự kiến sẽ khởi động nhà máy vào cuối tháng 4. Họ có kế hoạch sản xuất 50.000 máy thở trong 100 ngày đầu tiên, và sau đó mỗi tháng sẽ xuất xưởng 30.000 máy.
Một công ty ở Tokyo đang cố gắng thiết kế lại máy thở thú y thành máy thở dành cho con người.
Metran, một công ty nhỏ ở Nhật Bản đã được chính phủ giao nhiệm vụ cải tiến các cỗ máy thở dành cho động vật thành máy thở dùng cho đại dịch COVID-19. Ông Trần Ngọc Phúc, sáng lập công ty Metran cho biết: Về cơ bản, con người và động vật có vú sở hữu hệ thống hô hấp tương tự nhau. Vì vậy, máy thở thú y cũng có thể được dùng cho con người.
Bản thân Metran cũng sản xuất máy thở dành cho con người, cụ thể là trẻ sơ sinh, nhưng để giải quyết bài toán công suất máy trong tình huống cấp bách như hiện nay, cải tiến các cỗ máy thở dành cho động vật là một hướng đi tốt hơn.
Đó là bởi các máy này có chi phí sản xuất thấp, có thể sản xuất nhanh chóng trên quy mô lớn. Chúng cũng có hệ thống điều khiển đơn giản hơn, để các nhân viên y tế được đào tạo qua cơ bản cũng có thể sử dụng được.
Khi dịch bệnh bùng phát trên quy mô lớn, chúng ta sẽ thiếu các bác sĩ có kinh nghiệm sử dụng máy thở, vì vậy, các bác sĩ mới có thể được đào tạo nhanh chóng để sử dụng được các máy thở của Metran. Hiện các đại diện ở Vương quốc Anh, Hoa Kỳ và Ấn Độ cũng đã liên hệ với công ty để học hỏi ý tưởng này.
Loạt thiết bị y tế sáng tạo khác nhau đến từ nhiều tổ chức khác nhau trên phạm vi toàn cầu.
Các nhà khoa học từ Đại học Oxford và King’s College London đã phối hợp để tạo ra mẫu máy thở OxVent. Tuy không thể thay thế các máy thở hiện có ở các cơ sở y tế, nhưng thiết bị này có thể giải quyết tình huống khẩn cấp. Sau cuộc gọi từ Thủ tướng Anh Boris Johnson, Công ty sản xuất máy hút bụi Dyson cũng đã tham gia sản xuất 10.000 máy thở dựa trên công nghệ sẵn có. Các kỹ sư tại Đại học New York (Mỹ) đã biến máy sấy tóc trùm đầu thành buồng áp suất âm cá nhân. Thiết bị đơn giản và ít tốn chi phí này có thể giúp cung cấp ô xy cho bệnh nhân, hạn chế lây lan vi rút và giảm nguy cơ nhiễm trùng cho nhân viên y tế.
Trong khi đó, các bác sĩ tại Bệnh viện Đại học North Shore (Mỹ) đã sử dụng máy CPAP và BiPAP được thiết kế cho những người mắc chứng ngưng thở khi ngủ để giữ cho bệnh nhân Covid-19 có thể thở được. Thiết bị này được điều chỉnh thành máy thở tạm thời bằng cách gắn bộ điều hợp in 3D lên ống nội khí quản và thêm bộ lọc HEPA để loại bỏ vi rút trong quá trình thở ra.Chính quyền New York đã triển khai chiến dịch kêu gọi người dân quyên góp các thiết bị trợ thở không còn sử dụng. Trước đó, các y bác sĩ Pháp, Ý thậm chí cải tiến mặt nạ lặn biển để kết nối với máy thở.
Tham khảo Businessinsider & Tổng hợp Internet